Việt kiều về nước

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thế là Hùng dù đã ở trên mảnh đất quê hương rồi nhưng tôi vẫn phải giao lưu bằng online như lúc Hùng ở cách xa nửa vòng trái đất. 14 ngày trôi qua Hùng bảo thật là những ngày dài nhất trong cuộc đời mà Hùng phải chấp nhận nhưng có lẽ chả còn cách nào tốt hơn để tránh cơn đại dịch đang lan tràn mạnh như con sóng thần này.
Việt kiều về nước
Minh Họa: Ngô Xuân Khôi

Hùng về nước đúng dịp nước nhà đang bước sang giai đoạn hai của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Trên thế giới dịch đã lan tràn sang các nước châu Âu. Trước khi Hùng về, tôi đã can ngăn rằng đừng về vì đang có dịch bệnh, nhưng Hùng bảo chả còn dịp nào vì thời gian này vừa là giỗ bà nội lại cũng gần dịp thanh minh Hùng muốn về xây lại ngôi mộ cho bà nội. 

Lý do này thì tôi không ngăn được vì đó là việc hiếu nghĩa của Hùng. Vả lại cũng gần 30 năm rồi Hùng chưa một lần nào về ăn giỗ bà nội cả. Thường thì đã ở cái tuổi 60 rồi người ta hay hướng về nguồn cội. Tôi đành tặc lưỡi động viên, ừ thì thu xếp về ngay đi chứ tình hình dịch bệnh thế này chưa biết chừng là sẽ cấm nhập cảnh đấy. 

Y như rằng, chuyến bay của Hùng là chuyến cuối cùng từ châu Âu về, và tất cả các hành khách đều phải đi luôn đến khu cách ly để thực hiện nhiệm vụ khai báo, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly 14 ngày. Nguyên do cũng vì vừa có một chuyến bay từ châu Âu đã có mấy hành khách nhiễm dương tính với vi rút COVID-19. Thôi thì đành chịu vậy chứ biết làm sao. 

Thế là Hùng dù đã ở trên mảnh đất quê hương rồi nhưng tôi vẫn phải giao lưu bằng online như lúc Hùng ở cách xa nửa vòng trái đất. 14 ngày trôi qua Hùng bảo thật là những ngày dài nhất trong cuộc đời mà Hùng phải chấp nhận nhưng có lẽ chả còn cách nào tốt hơn để  tránh cơn đại dịch đang lan tràn mạnh như con sóng thần này.

Vừa gặp tôi Hùng đã cười toe toét chìa ngay tấm giấy chứng nhận 14 ngày cách ly chấp hành xuất sắc và chứng nhận sức khỏe ổn định, âm tính với vi rút corona. "Chị yên tâm nhé, không sợ lây đâu, thôi tháo khẩu trang và kính ra đi để em ngắm dung nhan chị dạo này thế nào nào". 

Tôi tháo kính, cười trong khẩu trang: "Cậu thông cảm, cẩn tắc vô áy náy. Lệnh Thủ tướng Chính phủ đề ra rồi phải coi người đối diện với mình như người đang có bệnh, kể cả người thân". Hùng nhún vai lắc đầu đúng kiểu dân Tây. "Chả trách bên kia tụi nó cứ thắc mắc tại sao ở Việt Nam mọi thứ đều còn nghèo mà chống dịch tốt thế". 

"Thôi nào, nửa tháng cách ly cậu có sút đi cân nào không mà trông vẫn đồ sộ thế", Hùng vừa lắc ấm pha trà vừa phân trần: "Em mong nó sút đi cân nào thì mừng cân ấy mà nào có sút đâu, tăng lên thì có. Này nhé ngày ăn ba bữa rồi nằm. Sáng cháo thịt, hoặc bún, miến, phở, trưa cơm hộp thịt rau, đậu, tôm cá thay đổi món liên tục. Lúc đầu mới về ăn không quen, cũng khó nuốt, nhưng vài ngày sau quen dần, ăn lại thấy ngon". 

Ngồi chém một hồi về chuyện những ngày đi cách ly, chị em tôi quên cả những chủ đề chính. Tôi buồn rầu cắt ngang: "Cậu về đợt này thật đen. Lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ được ban ra rồi. Từ mai các cửa hàng cửa hiệu không cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt của người dân đều bị đóng cửa, các xe chở khách đến các tỉnh cũng đều tạm dừng, người dân cũng hạn chế ra đường. Vậy thì…". 

"Chị yên tâm đi, chúng ta chỉ đi đến những nơi vắng vẻ thôi chứ em có cần đến những cửa hàng cửa hiệu đông người đâu. Mai chị cứ đưa em đi thăm mấy nơi em cần nhé". 

Hai chị em gặp nhau đều vui, bao kỷ niệm ùa về. Bất giác tôi nhìn xuống cặp đùi chắc mập đầy lông lá của Hùng bỗng nhớ lại cái ngày nào Hùng vẫn thoăn thoắt đạp xe đèo tôi đi học trường nơi sơ tán qua những con đường đất gồ ghề lầy lội. Đôi bắp chân đen nhẻm gầy gò, trên đôi dép cao su mòn vẹt, quần luôn phải xắn cao để khỏi bị bắn bùn.

Hùng là em họ tôi, nhưng trong đám anh chị em họ hàng con chú con bác, tôi với Hùng thân nhau nhất vì chúng tôi bằng tuổi nhau, cùng học một trường cấp 2 và cái chính là cùng ham học như nhau. Chỉ khác Hùng học giỏi hơn tôi các môn tự nhiên, còn tôi lại hơn Hùng các môn xã hội. Cuối cấp chúng tôi đều đỗ vào đại học. 

Hùng đủ điểm đi du học nước ngoài. Cậu sang Đức học rồi ở lại luôn bên đó, lấy vợ sinh con và có một cuộc sống ổn định đủ đầy. Đã 30 năm mà cậu ấy cũng chỉ về quê có dăm lần, lần nào cũng  vội vàng và chủ yếu là đưa vợ con đi du lịch khắp đất nước chứ có mấy khi ở nhà đâu. Lần này cậu ấy bảo sẽ về một mình và làm một số việc hiếu nghĩa. Cứ như đi dối già không bằng. Nhưng trông vóc vác cậu ấy tôi nghĩ chắc cậu ấy phải mấy lần dối già nữa mới đến lúc lực bất tòng tâm. 

Không hiểu sao chúng tôi đang nói chuyện ríu rít, Hùng lại lặng đi đến nửa phút rồi bỗng quay sang tôi đề nghị. "Chị, mai ta đi đến nhà bà thím đi". Tôi ngạc nhiên, tròn mắt: "Bà thím nào, bà thím mất lâu lắm rồi còn gì?". “Em biết rồi, nhưng ngôi chùa thì vẫn còn chứ?". "Vẫn còn, nhưng…sao cậu". "Thì em chỉ cần đến đó thăm lại ngôi chùa thuở xưa mình hay đến đó chơi thôi mà. Cũng đã non nửa thế kỷ rồi, bây giờ không biết nó ra sao". 

Nhìn khuôn mặt đầy vẻ hoài niệm của Hùng, tôi không nỡ nói thật rằng bây giờ ngôi chùa đã hoàn toàn khác lạ, người ta đã xây mới lại bằng bê tông, sơn son lòe loẹt hoàn toàn không còn bóng dáng gì của ngôi chùa xưa nữa. Nhưng thôi dẫu sao thì mai vẫn cứ đưa Hùng đến. Dù gì thì nó vẫn là chốn kỷ niệm của chúng tôi.

Bà thím là bà chung của chúng tôi. Ông chú chúng tôi mất từ khi nào chúng tôi không rõ, nhưng khi lớn lên thì chỉ thấy có mình bà thím. Bà khi ấy cũng đã già nhưng nom vẫn rắn chắc dẻo dai lắm. Hàng ngày bà vẫn tráng bánh cuốn đem ra chợ bán. Bánh của bà không có nhân, chỉ có chút  hành hoa xào với mỡ quệt vào. Bà thường chỉ bán bánh cho người nghèo và bỏ mối cho các hàng ăn sáng ngoài chợ. 

Bà xay bột từ chiều, gần sáng mới tráng bánh, xếp đầy một thúng con rồi mang ra chợ. Bà hay bớt lại một ít cho bản thân hoặc cho chúng tôi ăn mỗi khi chúng tôi tới chơi. Nhà bà ở là một ngôi chùa nhỏ nằm ngay trước cổng chợ. Ngôi chùa thì nhỏ nhưng khuôn viên của nó rất rộng lớn. Phải nói là một không gian rất nên thơ. 

Ngay cửa chùa là một cây gạo khổng lồ không biết từ thời nào nhưng đến thời chúng tôi thì nó đã thành cổ thụ, thân to xù xì, nổi u nổi cục, phải mấy người ôm không xuể, các cành vươn cao như đang với lên trời xanh. Chim chóc làm tổ lủng lẳng đầy trên cây. Đến tháng 3 mùa hoa gạo nở, cây như được thắp những ngọn đèn lồng đỏ rực. Mùa hè lá xanh rì tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn không những trong sân chùa mà cả cổng chợ. Thật là một chốn nghỉ ngơi lý tưởng cho các bà bán hàng rong trong những trưa hè oi ả. 

Hồi đó tôi với Hùng hay đến chùa chơi với bà thím cũng không hẳn vì được ăn những chiếc bánh cuốn mịn dẻo chấm với thứ nước mắm thơm đến nức mũi mà còn vì khu vườn chùa rộng lớn và đầy bí ẩn. Thực ra vườn chùa hồi ấy cũng không rộng lắm nhưng vì nó luôn rậm rạp bởi những cây ăn quả lưu niên và đối với những đứa trẻ 7, 8 tuổi như chúng tôi thì đó là cả một thế giới đầy huyền ảo. 

Bà bảo: toàn cây ông trồng đấy, ông trồng cây ăn quả để có hoa trái bốn mùa thắp hương. Nào nhãn, ổi, đào, na, hồng bì, doi (quê tôi gọi là quả bồng bồng)… mùa nào quả nấy. Nhưng đối với chị em chúng tôi hồi đó, khu vườn là một địa đàng cổ tích. Chúng tôi chơi đồ hàng, chơi trốn tìm, chơ‌i đ‌ánh trận giả, và nhặt những quả ổi rụng làm quả cà chơ‌i đ‌ánh chuyền. 

Khu vườn rậm rì cành lá như những chiếc ô khổng lồ tỏa bóng râm mát đủ cho chúng tôi chơi suốt mùa hè. Chơi ở trong vườn nhưng chúng tôi tuyệt nhiên không chọc khều những quả cây đã chín vì lo sợ con yêu tinh quở phạt, chứ không phải sợ bà vì bà thường dành cho chúng tôi những quả chín cây lành lặn sau khi đã được thắp hương rồi. Bà bảo đó là lộc của thần linh nên ăn vào sẽ có sức khỏe dồi dào.

Sáng hôm sau theo đúng hẹn, Chị em tôi đi đến ngôi chùa. Thực ra chỉ vèo cái trong vòng 10 phút là chúng tôi đã ở trước cổng chùa, thế mà ngày xưa chị em tôi đi bộ mỏi dừ cả chân mới tới được nhà bà. Bây giờ nhìn lại thấy khoảng cách đó chả là gì cả. 

Dừng lại trước cổng chùa mặt Hùng nghệt ra, đa nghi: "Là đây ư, chị có nhầm không?". Tôi hiểu tâm trạng Hùng đang thất vọng. Đâu rồi cây gạo cổ thụ ríu rít tiếng chim kêu. Đâu rồi hai ông tượng đứng canh cửa chùa. Đâu rồi khoảng sân rêu phong và khu vườn rậm rạp cây xanh. Tất cả đều biến mất như chúng chưa từng tồn tại. 

Chúng tôi dựng xe bên hàng rào xây kín ngang tầm mắt, nhòm qua cánh cửa chùa bằng sắt im ỉm đóng. Đang ngơ ngẩn thì có một chú trung niên mặc bộ đồ xanh rêu, đội mũ lưỡi chai vải cũng màu xanh rêu từ xa đi lại hỏi chúng tôi như quát. "Này, này các bác có việc gì đấy. Không vào chùa được đâu. Có lệnh cấm rồi". 

Khi bước đến gần, chú trung niên nhìn chằm chằm về phía Hùng rồi nói nhỏ với tôi: "Bác dẫn khách đi tham quan du lịch à?. Cẩn thận người nước ngoài đấy bác ạ. Nhập cảnh lâu chưa?". Của đáng tội trông cậu em tôi tướng tá cũng chả khác gì mấy ông Tây già, cái mặt phì phị cộng với cái mũi vừa cao vừa to lại thêm cặp môi thụt vào, nên anh trung niên nhầm là phải. 

Tôi phì cười, cũng nói nhỏ: "À không, đây là người Việt một trăm phần trăm đấy, là ông em tôi, cậu ấy mới ở nước ngoài về muốn đi thăm lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Ngôi chùa này ngày xưa là do bà chúng tôi coi sóc, nên muốn đến thăm lại". "Tôi không biết có bà nào ở đây cả, bây giờ là do phường quản lý. Hôm nay đang có lệnh cách ly vì dịch bệnh nên đóng cửa chưa biết đến khi nào mới mở". 

Tôi vẫn năn nỉ: "Anh cho chúng tôi vào một lát thôi vì chả mấy khi ông em tôi mới về thăm. "Bác thông cảm, em không có quyền mở, vả lại lệnh của  trên rồi". "Thôi chị", Hùng kéo tay tôi. "Không cần nữa đâu, em cũng không muốn vào nữa, đây có phải ngôi chùa ngày xưa đâu, về thôi". 

Khi cả hai đã trở về nhà ngồi nhâm nhi li cà phê cho khuây khỏa thì Hùng trầm ngâm. "Đợt này em về cũng là vì một chuyện, chị biết không, hôm rồi ở bên Đức em nằm mơ thấy bà thím đấy. Bà đã hỏi em sao lâu lắm không thấy lại chơi, bà dành cho cháu bao nhiêu là ổi đào mà cháu thích. Bà cứ nhìn em mãi, còn em thì khóc nức lên, em cứ gọi mãi bà ơi, bà tha lỗi cho cháu… Bà không nói gì và cứ thế bỏ đi". Nghe Hùng nói vậy, cả hai chị em tôi lặng đi.

Hồi đó đến chơi nhà bà thím, nhưng chúng tôi không dám vào gian thờ vì nơi đó có nhiều đồ vật cúng lễ và là nơi thâm nghiêm bà thím dặn không được vào nghịch ngợm thần phật quở phạt. Nhưng cái chính là chúng tôi đều sợ hai ông tượng đồ sộ gác hai bên hiên chùa. 

Một ông mặt mũi hiền từ tay cầm cuốn sách, còn một ông mặt mày dữ tợn râu mày quắc thước nai nịt gươm đao và nhất là đôi mắt xếch vằn lên như đang chuẩn bị ăn tươi nuốt sống ai đó, ai nhìn cũng phát sợ chứ nói gì đến trẻ con. Bà thím bảo đó là ông thiện và ông ác, cả hai ông đều được trời sai xuống để canh gác bảo vệ nơi cúng thần linh. 

Sau thì tôi biết đó chỉ là ông quan văn và ông quan võ theo phong tục của các đền chùa Việt Nam. Nhưng khi đó tôi rất sợ ông quan võ vì cứ nghĩ đó là ông ác, làm gì sai trái trong chùa sẽ bị ông trừng phạt, nên tôi không dám bén mảng đến đó làm gì. 

Nhưng đến một hôm bà thím bảo, hôm qua có đứa nào bắn súng cao su làm gãy mũi ông ác rồi, tôi ngạc nhiên chạy ra xem thì thấy đúng là trên khuôn mặt dữ tợn của ông ác có một lỗ thủng to, cái mũi rách lìa ra nhìn rõ một lớp hồ giấy tơi tả tan nát. Đôi mắt ông ác vì thế trông càng dữ tợn hơn. 

Tôi sợ quá, hỏi bà ai đã làm thế. Bà bảo bà cũng không biết, sáng ra vào chùa quét dọn đã thấy như vậy rồi, chắc trẻ con bắn chim trên nóc chùa rồi không may bắn vào mũi ông tượng.

Hùng tự nhiên ít đến chơi nhà bà hẳn, rủ thì Hùng bảo sợ ông ác lắm, nhỡ may ông ấy phạt chết. Tôi bảo Hùng mình có làm gì sai đâu mà sợ ông ấy phạt. Hùng chỉ im lặng không nói gì. Bà thím thấy tôi đi chơi có một mình thì nhắc sao không rủ Hùng cùng đi, bà dành bao nhiêu là ổi đào đây này, cháu đem về cho nó. 

Thế rồi chúng tôi cũng bước vào cấp hai cấp ba rồi đi sơ tán, việc đến chơi nhà bà ít dần. Sau này, mỗi lần đi đại học về nghỉ hè, tôi đều đến thăm bà. Bà già yếu lắm không còn đủ sức tráng bánh cuốn nữa. Bà chỉ bán nước chè xanh ngay dưới gốc gạo cổng chùa.

Tôi đến chơi thăm bà, khi thì mua cho bà bó củi, múc cho bà đầy vại nước. Bà giờ chỉ đủ sức quét lá rụng đầy sân chùa để đun nước thôi. Thương bà lắm nhưng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn. Thi thoảng tôi đem cho bà ít quần áo của mẹ tôi để bà mặc, nhất là đồ mùa đông, nhưng bà cũng không dám mặc, bà bảo để dành khi nào thật rét mới mặc kẻo rét quá lại không chịu được. 

Khi nghe tin bà mất tôi cũng đang ở trường đại học không về được. Tôi báo tin cho Hùng ở nước ngoài. Hùng cũng viết thư về bày tỏ nỗi tiếc thương nhưng nào có thể về để đưa tiễn bà. 

Cho mãi đến hôm nay Hùng mới kể: Chiều hôm ấy Hùng rủ mấy đứa bạn trong phố đến chùa chơi, vì chúng nó có súng cao su biết bắn chim, mà chưa tìm được chỗ nào có nhiều chim. Hùng bảo chỗ chùa nhà bà tao có rất nhiều chim. Thế là bọn chúng rủ Hùng đi. 

Chim trên cây gạo rất nhiều nhưng súng cao su của bọn nó không bắn nổi, thế là Hùng bảo trên mái hiên chùa có rất nhiều chim sẻ làm tổ, nên dẫn bọn chúng vào gian chùa nơi có ông thiện ông ác đứng canh. Những viên sỏi vút đi từ những chiếc súng cao su rơi lắc rắc xuống hiên chùa khiến lũ chim trong các tổ bay ra rào rào tán loạn. Một con hoảng hốt đậu trên chiếc mũi của ông tượng ác đang ngó nghiêng tìm chỗ trú tiếp thì một viên sỏi vút bay vào đúng chỗ nó đậu, con chim không rơi mà bay vút đi nhưng mũi ông tượng thì bị rách. Cả bọn dáo dác hoảng sợ. 

Hùng bảo chết rồi ông tượng ác sẽ trừng phạt đấy. Thế là cả bọn ù té chạy. Chuyện chỉ có thế nhưng Hùng bảo cậu đã từng day dứt nhiều đêm ngay cả khi ở bên Đức. Tôi muốn phá tan bầu không khí trầm ngâm như bầu trời đang u ám mấy hôm nay bảo Hùng: "Xem muốn đi đâu nữa thì để tôi dẫn cậu đi nào chứ ngồi mà ôn cố tri tân thế này mệt lắm". Hùng bảo: "Đến trường em đi, lâu lắm em cũng không rõ mái trường xưa giờ như thế nào". 

Thôi rồi, tôi nói: "Trường chuyên của cậu chuyển đi chỗ mới rồi, nơi đó bây giờ là một cơ quan khác". "Sao lại thế được?" - Hùng nhăn mặt. "Ở châu Âu người ta có những ngôi trường hàng trăm năm không thay đổi, vẫn lưu giữ những kỷ niệm cũ để cho các thế hệ học sinh có cơ hội về thăm giống như một viện bảo tàng ấy chứ, nước mình nhiều khi…" . "Thì nước mình bây giờ mới đang phát triển mà, mọi thứ phải được xây mới cho hợp với xu thế thời đại chứ, thôi nào cậu nghĩ xem còn nơi nào muốn đi  nữa không?". 

Trầm ngâm một lúc mắt Hùng bỗng sáng rực: "Có, một nơi mà em muốn tìm, muốn gặp…". Nhìn vào ánh mắt Hùng, tôi biết ngay. "Rồi, cô nàng hàng xóm mối tình đầu chứ gì, tôi biết nhà nàng cũng ngay trong thành phố này thôi, nhưng bây giờ nàng đã đầu ba thứ tóc rồi, mặt nhàu như quả táo tàu, gặp lại chắc cậu vỡ tim mất. Vả lại đến thăm bây giờ chắc gì nàng đã tiếp vì nàng còn phải trông mấy đứa cháu tuổi mầm non đang phải nghỉ học ở nhà chống dịch kia kìa". 

Hùng chảy sệ mặt nói như dỗi: "Thôi thế thì chẳng còn nơi nào muốn đi nữa. Ở nhà vậy. Nhưng bao giờ cho hết lệnh cách ly này nhỉ". "Nghe nói chỉ 15 ngày thôi mà". "Tính cả thời gian em đi cách ly nữa là gần tròn tháng đấy. Vợ em bên kia sốt ruột lắm, nhưng lại nhắn là thôi anh cứ ở Việt Nam đi chứ bên này dịch đang lây lan dữ dội và đã có hàng trăm người chết rồi, còn Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt và chưa có người t‌ử von‌g". "Thế thì cậu cứ yên tâm ở nhà đi, mấy khi mới về quê hương được lâu thế này, hết lệnh cách ly tôi sẽ đưa cậu đi thăm thú một số nơi".

Tôi ở nhà được mấy hôm, bỗng nghe tin Hùng đi cấp cứu. Hoảng quá nhưng cô em gái Hùng bảo. "Anh ấy bị ngộ độc thức ăn thôi chị ạ". Té ra Hùng thèm mấy món đặc sản quà sáng của quê hương, thế là mò đi tìm. 

Hàng quán lớn đóng cửa hết chỉ có mấy quán vỉa hè nhưng bán dấm dúi ở bên trong các ngõ ngách. Ăn vội vàng được bát bún ốc về chưa đầy tiếng sau đã ôm bụng đau dữ dội, rồi cứ thế đi ngoài, miệng nôn trôn tháo. Hạnh đành phải gọi xe cứu thương của bệnh viện thành phố đến để đưa Hùng đi. 

Chiếc xe cứu thương vừa rú còi phóng đi thì tất cả các nhà trong phố đều mở cửa ra ngó nghiêng bàn tán. Không biết liệu phố mình có bị phong tỏa không nhỉ. 

Ngày hôm sau Hạnh phải đi thanh minh từng nhà: "Anh cháu đêm qua là đi cấp cứu vì ngộ độc thức ăn chứ không phải nhiễm dịch. Anh cháu đã đi cách ly sau khi vừa rời khỏi sân bay rồi, có giấy chứng nhận đàng hoàng đây này, sức khỏe hoàn toàn ổn định không bị nhiễm vi rút corona đâu".

Ấy thế mà sau khi Hùng ra viện trở lại khỏe mạnh bình thường Hùng đến nhà tôi chơi trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Vừa ra khỏi nhà trên chiếc xe đạp địa hình với bộ đồ thể thao rất bắt mắt, thì ông Tổ trưởng dân phố đã tới nhà tôi hỏi: "Người đàn ông vừa vào nhà chị là người nước nào thế". Tôi bật cười: "Không, đó là em họ tôi, Việt kiều vừa mới về nước". 

Thế là ông bắt đầu hỏi cặn kẽ rằng từ nước nào về và đã đi cách li chưa, rồi ông ta còn dặn, dù đã đi cách ly rồi nhưng vẫn phải giữ gìn cẩn thận vì bây giờ con vi rút nó ủ bệnh những 24 ngày kia. Không chủ quan được đâu. Chị nên bảo ông ấy nên ở yên trong nhà thêm 14 ngày nữa". 

Tôi kể lại cho Hùng nghe. Hùng ngạc nhiên bảo: "Sao mà em đi đâu cũng như có tai mắt thế nhỉ, hay là đường phố bây giờ lắp nhiều camera?". Tôi bảo: "Có mà camera chạy bằng cơm, vì mỗi người dân là một mắt thần rồi". Cả hai chúng tôi cùng cười vang. Hùng bảo: "Sau về bên kia chắc em phải kể cho tụi Đức biết nguyên nhân vì sao Việt Nam khống chế được dịch bệnh mới được".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật