Gia đình 4 VĐV môn vật của nhà Vô địch SEA Games: Giấc mơ lớn sau tháng ngày cơ cực

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi nhà vô địch SEA Games 30 môn vật, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh lên đường sang Ấn Độ để tìm kiếm tấm vé đến Olympic Tokyo 2020, ba chị em Mỹ Trang, Mỹ Linh cùng Mỹ Tiên “tim đập, chân run” ngóng chờ kết quả từ người chị. Họ, bốn chị em trong một gia đình, cùng đến với môn vật vì đam mê và vì muốn thay đổi cuộc sống thuở cơ hàn.
Gia đình 4 VĐV môn vật của nhà Vô địch SEA Games: Giấc mơ lớn sau tháng ngày cơ cực
Mái ấm gia đình bốn chị em Mỹ Hạnh - Mỹ Trang - Mỹ Linh - Mỹ Tiên. Ảnh: NVCC

Xem Video: VĐV Hà Văn Hiếu - Đô vật kỳ cựu của ĐT Vật Việt Nam

Một ngày đầu xuân, giữa cơn rét buốt, chúng tôi tìm đến thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế). Từ trung tâm thị trấn, lần dò mãi mới tìm ra xóm Khe, nơi ở của gia đình Mỹ Hạnh bởi người dân bảo “đường vào đó khá phức tạp, cứ đi khoảng 200-300m rồi hỏi cho chắc chắn”.

Lần qua hai cây cầu với độ rộng chỉ đủ một làn xe máy, phía dưới là con kênh ghi dòng chữ “Nguy hiểm vì nước sâu”. Sau đó, chúng tôi men theo triền đê để về với khu xóm biệt lập giữa ruộng đồng mênh mông. Giữa cái rét buốt đầu xuân, hầu như mọi cánh cửa trong khu vực xóm Khe đều đóng kín. Hỏi tìm một người dân thì cũng đến nhà bốn chị em vốn được xem là nhà của những cô gái Vàng.

Căn nhà khép kín cửa, chắn phía trước là giá phơi áo quần. Cánh cửa mở ra, xộc thẳng vào chúng tôi là luồng gió mạnh, lạnh tê người. Nhưng khi bước vào trong căn nhà, là hơi ấm mà như Mỹ Trang thổ lộ: “Sau bao nhiêu năm vất vả, cả gia đình mới cất được ngôi nhà để che nắng, che mưa”. Với bốn chị em, họ đã trải qua nhiều gian truân để thay đổi cuộc sống khi đến bộ môn vật.

Mò cua, bắt ốc sống qua ngày

Mỹ Hạnh (sinh năm 1997) là con thứ hai trong gia đình 7 anh em. Anh trai đầu của Hạnh sinh năm 1996, sau Hạnh còn có 5 người em: Mỹ Trang (2001), Mỹ Linh (2003), Mỹ Tiên (2005) và hai em nhỏ.

Nhà đông con, bố mẹ của bốn cô gái Vàng này phải bươn chải mưu sinh đầu tắt mặt tối. Ông Nguyễn Đăng Sơn, bố của 7 người con làm cơ khí nhưng vì phải nuôi cả gia đình, ông làm quần quật từ sáng đến tối, hễ ai kêu gì đều làm. Còn bà Đặng Thị Huệ, mẹ của những cô cậu bé phải dậy từ 3 giờ sáng để đi bán cá.

Quẩn quanh theo nhịp sống mưu sinh khiến ông Sơn, bà Huệ không có nhiều thời gian chăm sóc cho con. Hạnh cùng các anh chị em tự bảo ban nhau. Cái đói, cái nghèo đeo bám nên thuở nhỏ, mấy chị em ra chợ phụ mẹ bán cá, lúc thì mò cua bắt ốc. “Mấy chị em tự nhủ với nhau, phụ giúp được gì ba mẹ đều làm hết”, Mỹ Trang giãi bày.

Sự nhí nhảnh của bốn cô gái tài năng. Ảnh: NVCC

Với Trang, tuổi thơ cơ cực mãi in dấu trong ký ức của cô. “Thời điểm em út chưa ra đời, gia đình khó khăn lắm. Cả nhà 8 người sống trong căn nhà cấp 4 tồi tàn, mưa đến là dột. Sáu anh chị em ngủ chung một phòng. Ban đầu thì ngủ giường còn sau thì xuống ngủ sàn vì chật quá”, Trang kể lại.

Thay đổi nhờ… vật

Năm 2010, trong một lần ghé chơi, tình cờ thấy Mỹ Hạnh, anh họ của gia đình rủ cô bé đi theo môn vật. Từ đó, cô bé sinh năm 1997 bắt đầu bén duyên với môn thể thao này.

Theo vật hơn một năm, dù vất vả nhưng lại có cái nghề, có miếng ăn, của để và có tương lai, Hạnh rủ người em Mỹ Trang đi theo. “Lúc đó, tôi theo môn vật một phần vì đam mê, phần còn lại vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cứ nghĩ mình lên thành phố tập luyện sẽ đỡ miệng ăn cho gia đình.

Mỹ Hạnh với tấm HCV đầu tiên ở SEA Games. Ảnh: NVCC

Trong giấc mơ của mình, tôi vẫn ước mình được đi học rồi theo một nghề nào đó mình thích. Còn với vật, dù đam mê nhưng tôi chỉ xem đó là phụ và có hướng đi khác”, Mỹ Trang thổ lộ.

Dần dần, khi hai chị em quen với môn vật, thỉnh thoảng các HLV về nhà ông Sơn thăm hỏi. Thấy gia đình đông con nên khuyến khích các em của Hạnh, Trang đi theo. Thế là, Mỹ Linh rồi Mỹ Tiên bén duyên với bộ môn này.

Trang, Linh rồi Tiên may mắn khi khó khăn trong những buổi đầu đến với vật đều được Mỹ Hạnh sẻ chia, giúp đỡ. Đến với vật, cả bốn chị em có cơ hội để chăm sóc lẫn nhau từ trong tập luyện cho đến sinh hoạt và cả cuộc sống.

“Chị Hạnh luôn uốn nắn từng chút một. Với chúng tôi, hai bài học giá trị là sự tiết kiệm và con đường tương lai giúp cho chúng tôi quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng với bộ môn này”, Trang chia sẻ.

Ngôi nhà kiên cố sau bao năm tháng vất vả của gia đình bốn chị em gái.

Khi các con trong gia đình theo nghiệp thể thao, cũng là lúc, gánh nặng mưu sinh với ông Sơn, bà Huệ vơi dần. Năm 2016, cùng với bố mẹ, các chị em của Hạnh tích cóp được số vốn để cùng nhau cất ngôi nhà kiên cố.

Đó là thời điểm mà Hạnh cũng chỉ mới chập chững tham dự các giải đấu quốc tế, chưa có thành tích nổi bật. Khi gia đình vơi đi khó khăn, đó là lúc, bốn chị em bắt đầu những thành tựu trong sự nghiệp.

Hạnh giành HCV SEA Games 30, HCĐ Asiad 2018 và hai HCĐ giải trẻ châu Á 2017, 2018. Trang cũng đánh dấu sự nghiệp với tấm HCV Đông Nam Á, HCĐ trẻ châu Á 2017. Cô em Mỹ Linh cũng mang về hai HCV trẻ Đông Nam Á 2018, 2019.

Những tấm huy chương, bằng khen sau những tháng ngày tập luyện vất vả.

Giờ đây, cuộc sống của gia đình bốn đô vật này đã khấm khá hơn. Nhưng nhịp sống vẫn không thay đổi. Hằng ngày, bà Huệ vẫn tất tả gánh cá lúc 3h sáng. Ông Sơn lặn lộn ra Hà Tĩnh mở xưởng còn bốn chị em tập luyện đều đặn trên Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế hay ra tập trung ở đội tuyển vật quốc gia.

“Cứ cuối tuần, mấy chị em đều về nhà. Chúng tôi có một chiếc xe máy mua khá lâu rồi. Hai chị em đèo nhau còn những người còn lại bắt xe bus về. Mấy chị em không có nhu cầu mua thêm để tiết kiệm cho những khoản khác trong tương lai”, Mỹ Trang khép lại câu chuyện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật