Đà Nẵng định hướng thành thủ phủ du lịch đêm, ăn chơi sau 0h

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thành phố du lịch nổi tiếng bậc nhất Việt Nam đang hướng đến việc phát triển mạnh kinh tế ban đêm, qua đó đem lại nguồn thu lớn từ khách nội địa cũng như quốc tế.
Đà Nẵng định hướng thành thủ phủ du lịch đêm, ăn chơi sau 0h
Đà Nẵng hướng tới mục tiêu phát triển du lịch ban đêm. Ảnh: Quang Ngọc.

Vẻ đẹp giúp Đà Nẵng hấp dẫn du khách từ cái nhìn đầu tiên

Để hiện thực hóa giấc mơ biến Đà Nẵng thành "thành phố không ngủ", Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức tọa đàm "Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm" vào sáng 10/7.

Trước đó, Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm. Đà Nẵng là một trong số những tỉnh thành đã tính tới việc phát triển loại hình này nhằm kéo dài thời gian vui chơi, giải trí cho du khách, đồng thời tăng nguồn thu cho ngành Du lịch.

Hướng đi của Đà Nẵng

Sở Du lịch thành phố xác định việc phát triển kinh tế đêm là đòn bẩy quan trọng, phục vụ mục tiêu khôi phục hoạt động du lịch sau dịch trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Phía Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ triển khai một số biện pháp cụ thể như phát triển kinh tế ban đêm theo 4 nhóm hoạt động, dịch vụ gồm văn hóa - vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và du lịch (tham quan).

Trước mắt, thành phố sẽ tổ chức và khai thác các khu vực/dịch vụ sẵn có trên nguyên tắc đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự, chất lượng, vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Về lâu dài, Đà Nẵng sẽ quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm/khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư. Trong tương lai, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư các khu tổ hợp giải trí ban đêm chất lượng ngang tầm quốc tế.

Dự kiến từ 2021-2023, thành phố sẽ thí điểm các dịch vụ sẵn có ở một số khu vực như phố du lịch An Thượng, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành.

Trong giai đoạn 2, một số khu vui chơi và các khu vực riêng biệt nằm ở phía tây thành phố sẽ được đưa vào danh sách.

Để hiện thực hóa kế hoạch này, Sở Du lịch xác định cần nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ và tăng cường, xúc tiến quảng bá trên những phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Thực trạng và cơ hội

Những thống kê cho thấy kinh tế ban đêm có sức ảnh hưởng lớn tới doanh thu của ngành Du lịch. Tại Việt Nam, mức chi tiêu và doanh thu du lịch từ khách thấp có nguyên nhân không nhỏ từ việc "bỏ trống" các dịch vụ sau 0h. Trong năm 2017, Việt Nam thu 8,3 tỷ USD từ du khách quốc tế nhưng con số này với Indonesia, Singapore hay Thái Lan lần lượt là 12,6 tỷ USD, 18,4 tỷ USD và 52,5 tỷ USD.

Khách quốc tế tới Việt Nam và Thái Lan trung bình đều lưu trú khoảng 9 ngày nhưng mức chi tiêu lại cách nhau khá xa. Họ chi ở Việt Nam 96 USD/ngày nhưng lại bỏ ra 163 USD tại Thái Lan.

Một trong những lý do quan trọng nhất là kinh tế ban đêm của Thái Lan đang bỏ xa Việt Nam. Bangkok, điểm đến số một Thái Lan, được mệnh danh là thành phố không bao giờ ngủ khi các hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra suốt 24 giờ.

Bangkok (Thái Lan) là điểm du lịch đêm hấp dẫn bậc nhất châu Á. Ảnh: iStock.

Phát biểu trong buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định Đà Nẵng là một địa chỉ du lịch có tầm quốc tế và sở hữu những tài nguyên tốt. Hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố cũng rất ổn, người dân thân thiện và ẩm thực ngon, rẻ. Nhìn chung, Đà Nẵng có một nền tảng tốt nhưng mới chỉ dừng ở mức "đáng sống vào ban ngày".

Vào ban đêm, người dân và khách du lịch Đà Nẵng chỉ có thể quanh quẩn chợ đêm, bar hoặc dạo phố rồi về đi ngủ. Thủ phủ du lịch miền Trung có xu hướng sợ tiếng ồn, đi ngủ sớm nên đang bỏ mất nhiều cơ hội để phát triển.

Theo ông Thiên, Việt Nam chưa có nền kinh tế ban đêm nên Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều "đất" để vươn lên. Lý giải lập luận này, ông cho rằng những hoạt động đêm ở phố cổ Hà Nội dù cho rất sôi động nhưng chưa đủ quy mô và chủ yếu ăn nhậu, vẫn đóng cửa sớm.

Để phát triển kinh tế ban đêm ở Đà Nẵng, ông Thiêm chỉ ra một số giải pháp như nâng cao nhận thức của lãnh đạo và toàn xã hội về giá trị của nó. Ngoài ra, việc thiết lập các điều kiện đảm bảo như hạ tầng, khung khổ pháp lý, hệ thống an ninh cũng rất quan trọng.

PGS.TS cũng chỉ ra Đà Nẵng cần lựa chọn lực lượng chủ công và định hướng để thực thi chiến lược phát triển kinh tế ban đêm. Ý tưởng phát triển khu phố đêm dọc biển, dọc sông Hàn với chợ đêm, nhà hàng ẩm thực cũng được đưa ra thảo luận.

Tuy nhiên, ông Thiên nhận định một số vấn đề ở Việt Nam có thể khiến phát triển kinh tế đêm không được thuận lợi, ví dụ trình độ phát triển, tập quán văn hóa, đạo đức hay suy nghĩ kinh tế ban đêm giống như "ăn nhậu ban đêm"... Ngoài ra, loại hình này cũng chưa được chú trọng đúng mực và có những địa điểm phù hợp để phát triển.

Nhiều yếu tố đang ngăn cản Đà Nẵng và các tỉnh thành Việt Nam phát triển kinh tế ban đêm. Ảnh: Quang Ngọc.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, đại diện công ty lữ hành vitours, nhấn mạnh Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ lớn về cạnh tranh điểm đến, đặc biệt với 2 địa phương lân cận là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Trong đó, Quảng Nam từ lâu đã triển khai thực hiện phố đi bộ Hội An và ngày càng mở rộng. Thừa Thiên Huế cũng đã đưa vào hoạt động phố đi bộ ở một số tuyến đường nội thành Huế.

Đà Nẵng cũng phát triển mạnh về các hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, để du lịch Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và phát triển hơn nữa, thành phố rất cần khu phố đêm (phố đi bộ) thực sự có quy mô và xứng tầm với một đô thị lớn về du lịch.

Để đạt lấy ngôi vị "thủ phủ du lịch ban đêm" của cả nước, Đà Nẵng sẽ phải bước tiếp một chặng đường dài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật