Khai quật mộ gạch cổ ở Gia Thủy

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới đây, trong khi đào móng xây dựng thêm phòng học trong khuôn viên Trường tiểu học xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, đã làm phát lộ một kiến trúc gạch cổ nghi là mộ.
Khai quật mộ gạch cổ ở Gia Thủy
Các nhà khảo cổ khai quật di tích mộ gạch tại Gia Thủy.

Tiến hành khai quật khảo cổ khẩn cấp kiến trúc gạch này, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều thông tin giá trị về hình dáng, quy mô, tính chất, cấu trúc, chức năng và niên đại di tích, minh chứng khu vực xã Gia Thủy xưa là vùng đậm đặc văn hóa của cư dân các thế kỷ đầu Công nguyên.

Tư liệu của khu mộ này giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề mộ gạch ở Ninh Bình nói riêng và mộ gạch Việt Nam nói chung.

Mộ gạch có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, mái cuốn vòm, hướng mộ Bắc - Nam, cửa mộ ở hướng Bắc, lòng mộ chia thành 2 gian: tiền thất và hậu thất. Nền hậu thất cao hơn nền tiền thất một hàng gạch cao 4,5cm. Tổng thể, mộ có mặt bằng dốc từ cuối mộ ra đến cửa mộ. Về kỹ thuật xây dựng: người xưa xếp gạch theo dạng bên dưới hình cũi chữ nhật, bên trên cuốn vòm.

Dựa vào dấu vết còn lại của tường cho thấy khi xây dựng mộ, người xưa chỉ chú trọng lấy mặt trong lòng mộ thành các gian phòng hình chữ nhật. Mặt ngoài các viên gạch được xếp áp vào vách hố đào và không căn đầu tường nên các hàng gạch thò thụt chứ không vuông thành sắc cạnh.

Vòm cuốn của mộ: Phần cửa mộ kết cấu bởi 3 lượt cuốn vòm chồng trực tiếp lên nhau. Phần cửa hậu thất gồm hai lượt vòm cuốn. Phần thân mộ còn lại được tạo bằng một lượt gạch cuốn vòm. Cửa mộ: còn dấu tích rõ ràng của việc chèn lấp cửa mộ sau khi đưa chủ nhân ngôi mộ vào trong. Ngoài ra, còn phát hiện đường dẫn đưa di cốt chủ nhân ngôi mộ xuống huyệt.

Vật liệu dùng để xây dựng mộ là gạch bìa với hai loại chính: gạch hình chữ nhật và gạch múi bưởi. Các viên gạch hình chữ nhật đều có trang trí hoa văn dọc theo một cạnh chiều dày viên gạch. Các viên gạch múi bưởi đa phần có trang trí hoa văn dọc theo một cạnh mỏn hơn của viên gạch. Màu gạch là màu đỏ sẫm loang vân vàng nhạt.

Sơ bộ có 4 dạng hoa văn phổ biến: trám lồng nối tiếp trong khung đơn, trám lồng trong khung đơn ở giữa có hai nửa trám đơn, trám đơn nối tiếp trong khung kép, 4 khung kép trong đó 2 khung trang trí văn trám đơn kết hợp 2 khung trang trí nửa trám lồng ở giữa.

Đồ tùy táng thu được từ đợt khai quật bao gồm: chậu đồng, đĩa đất nung, vò gốm men xương, gương đồng và các hạt chuỗi bằng vàng và đá ngọc màu xanh.

Gương đồng phát hiện tại tiền thất.

Sơ bộ, các nhà khảo cổ học nhận định ngôi mộ có niên đại thế kỷ III sau Công nguyên. Trong số đồ tùy táng đã thu thập, đáng chú ý là chiếc gương đồng mặt sau có trang trí gồm 3 con thú mang truyền thống văn hóa Trung Hoa nhưng lại xen lẫn một con vật giống chim lạc trên trống đồng của người Lạc Việt, đồng thời vành hoa văn răng lược và vạch thẳng song song cũng mang nhiều nét gần gũi với các hình tượng trang trí trên đồ đồng của vùng Nam Trung Hoa, mà đặc biệt là trống đồng Đông Sơn.

Như vậy, mộ gạch tại xã Gia Thủy nói riêng và mộ gạch tại Việt Nam nói chung đã tồn tại trong một giai đoạn lịch sử rất quan trọng của đất nước: giai đoạn lịch sử, mà ở đó đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa kẻ xâ‌m lượ‌c đang áp đặt mọi hình thức và thủ đoạn để đồng hóa người Việt với người Việt kiên quyết chống lại sự đồng hóa dưới mọi hình thức. Mặc dầu vậy, sự xuất hiện của khu mộ gạch ở Mỹ Hạ, Gia Thủy cũng ghi nhận nơi đây đã từng xuất hiện một trung tâm quyền lực kéo dài từ thời văn minh Việt cổ cho đến thời Bắc thuộc.

Khu mộ gạch tại trường Tiểu học Gia Thủy là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển lâu đời của vùng đất nơi đây. Ngôi mộ này cùng với những huyền tích huyền thoại về một vùng đất được ghi nhận trong các câu truyện truyền miệng dân gian rằng nơi đây là quê ngoại vua Đinh Tiên Hoàng cho thấy thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy hiện nay là vùng đất có một truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật