Lão ngược đời

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rất nhiều người làng Bó Lẹng bảo lão là hâm là dở người. Có lẽ nào, khi con người ta về già đều sinh ra tính dở dở ương ương, làm những việc mà người bình thường không bao giờ làm. Trong mắt người làng Bó Lẹng, lão hẳn nhiên là một người như vậy.
Lão ngược đời
Minh họa: Nguyễn Thị Hiền

Trong khi người Mông, người Dao nhiều đời ở tít trên núi cao, nay nghe theo lời khuyên của cán bộ biên phòng đi xuống núi làm nhà, học cách trồng lúa nước, nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Nhiều gia đình tìm cách di chuyển nhà ra hai bên đường cái để thuận tiện việc đi lại. Họ thi nhau dỡ nhà sàn xuống để xây nhà cấp bốn, người có nhiều tiền hơn thì xây nhà tầng, tậu ô tô để đi chơi phố huyện. Lão lại làm ngược lại, lão bỏ làng đi vào rừng dựng nhà lợp lá cáp tao để ở. Lão không quan tâm đến người làng nói gì. Lão lặng lẽ rời làng đi sâu vào trong núi Đống Đâư trong một ngày mưa trắng xóa như muốn nhấn chìm cả lối đi.

Có lẽ ngay cả người nhà cũng không tin lão đang tỉnh táo khi quyết định đi vào núi Đống Đâư. Lão mỉm cười với chính cái bóng của lão, khấp kha khấp khiểng như sắp ngã vào làn mưa trắng xóa. Trên vai lão đang kẽo kịt, là gánh đồ dùng hằng ngày. Hai cái nồi, một cái chảo con, vài ba cái bát to có nhỏ có, hai đôi đũa, với mấy cái thìa xây sứt. Nửa gánh đằng trước là chiếc lồng vịt, gồm một con gà mẹ và đàn gà con vừa mới rời khỏi ổ được ba ngày. Trên nắp lồng vịt là một cái chiếu và cái chăn chiên đã cũ kỹ. Hành trang của lão chỉ có vỏn vẹn như thế. Lão tự cười “trông lão như thế, chẳng trách người làng bảo lão hóa rồ hóa dại được”.

Con gà mẹ và lũ gà con được lão che bằng tấm áo mưa mỏng dính được bày bán đầy ở chợ. Mưa to quá, gió rít lên từng hồi, thổi vô định. Lũ gà con bị ướt, dọc đường cứ kêu rinh rích. Lão cũng mặc một cái áo mưa, nhưng khi đến được núi Đống Đâư, người lão đã ướt sũng. Lão bỏ đồ đạc vào góc căn nhà con con, nằm chênh vênh bên triền đồi thâm u ù mịch. Lão thả đàn gà vào cái chuồng mà lão vừa mới làm cách đây ít bữa, bên cạnh nhà.

Xong đâu đó, lão mới đi thay quần áo. Lão thầm nhủ, ướt như vậy, gian lao là thế, vất vả gian truân là thế cũng chưa nhằm nhò gì với cuộc đời mà lão đã từng trải qua. Hôm nay lão đã sống như một con người. Từ đời cha mẹ, đời lão phải chạy ăn từng bữa. Bao nhiêu cánh rừng, ngọn núi, nơi nào có mằn sièn  là có dấu chân của lão.

Nhiều bữa lão phải ăn mằn sièn thay cơm. Mùa rau ngải cứu, ăn nhiều, khi nhìn thấy ngải cứu lão liền có cảm giác đăng đắng ở cổ, chỉ muốn khạc nó ra thôi. Thế đấy, người Tày quê lão có câu “cứt cáo có lắm chỗ phình chỗ thắt”.

Sau cơn mưa, lá rừng trở nên xanh tươi hơn, lớp cỏ mềm xanh non như dài, cao lên được vài phân. Quanh ngôi nhà con con của lão, bên những hốc đá lởm chởm tai mèo, vô vàn thứ dây leo chằng chịt, chồi đâm tua tủa. Đang trong thời kỳ phát triển mạnh nhất, dây nào dây nấy đều trông rất ngon và giòn, ngọt lắm. Lão giương cặp mắt đã hơi lờ mờ của mình để phân biệt từng loại dây non đang đâm lên như tranh lấy ánh nắng mặt trời. Mớ dây leo đang nhoài mình, xoắn xít lấy nhau leo lên trên vòm cây. Nào là phiắc sản, dạ hiến, mằn giảng. Lão nhìn đi nhìn lại. Và lão chợt reo lên khe khẽ. Kia là dây mằn sièn, lão không thể nhầm được. Những người chưa biết cây mằn sièn mới dễ nhìn nhầm với các loại cây khác như cây da ủ, pa pính. Chứ người có kinh nghiệm, già đời như lão thì không thể.

Từ xa xa, có khi chỉ ngửi thấy mùi mằn sièn bay theo gió là lão biết chính xác cây  mằn sièn ở vị trí nào. Kể cả khi cây mằn sièn chưa mọc mầm. Nhiều người bảo lão bốc phét, làm gì ngửi được mùi mằn sièn. Lão bảo, khi cái đói liền kề, trước cái ăn thì sẽ chỉ định được chỗ có của. Rất mơ hồ và huyễn hoặc. Thật ra, cây mằn sièn không tỏa ra mùi hương nào hết. Nó thuộc họ dây leo, có lá và có hoa, nhưng hoa cây mằn sièn nhỏ li ti. Khi cây ra lá, có hoa, củ của nó cũng bắt đầu biến thành xơ, không còn ăn được nữa. Có mà rồ mà dại mới đi đào mằn sièn vào lúc củ chẳng thể ăn được. Thế có mà thành người hâm nặng.

Người Bó Lẹng không tin lão, vì lão nói phét. Người làng đâu biết được nỗi cơ cực thầm kín trong lòng lão. Lão cũng muốn no cái bụng, muốn sung sướng. Thấy người ta ăn cơm chấm cá, lão thèm nhỏ nước bọt. Nhưng nào lão có dám nói ra đâu. Đó là chuyện của lão ngày xưa. Giờ thì khác rồi. Nhưng nhìn hàng dây leo lại gợi cho lão nhớ đến chuyện ngày nào.

Đã khá lâu, lão không cầm đến xẻng, cầm vào cái thuổng dài có cái lưỡi uốn hình chữ C lật ngửa rồi. Trước mắt lão là cây mằn sièn, có cái dây to bằng đầu ngón tay út. Lão thầm nhủ, cây này chắc thuộc hàng cổ thụ đây.

Lão nghe bố mẹ lão truyền lại, tổ tiên của lão nơi xa đến cư trú ở làng Bó Lẹng sau cùng. Người làng Bó Lèng đã khổ, gia đình lão càng nghèo khó hơn. Ông nội lão, bố lão rồi đến đời lão cũng phải vào rừng đào mằn sièn để kiếm cái ăn nuôi con. Từ nhỏ, lão đã được làm quen với cây mằn sièn, biết được cây nào ở nông, cây nào củ ở sâu, loại đất nào thì có củ to. Lão không còn nhớ nổi đã đào được mấy nghìn cây mằn sièn, moi và lấp được bao nhiêu khối đất đá nữa rồi. Nhờ có mằn sièn mà lũ con của lão đã khôn lớn, dựng vợ gả chồng, có con có cháu. Lão và vợ lão đã sớm trở thành ông bà.

Lão nhìn lại cuộc đời của lão. Đôi tay lão đã chai sần, xù xì như vỏ cây mác ré. Đôi bàn tay lão sạn vì đàn con. Đôi tay lão thuần con dao, cái cuốc, cái xẻng, cái thuổng, chúng như chân tay của lão vậy. Hồi đó ở làng Bó Lẹng, mười nhà thì có tới sáu nhà phải đào mằn sièn, ăn rau dại để sống qua ngày, chờ đến mùa ngô non. Ai cũng mong đến mùa mằn sièn sớm. Lão ước cây mằn sièn đừng mở vội lá, để lão có thời gian đào nhiều hơn.

Mùa nào thức ấy. Vạn vật, cây cối thay đổi theo mùa. Đó là chuyện của muôn đời. Cây đến mùa thì phải rụng lá rồi lại đâm chồi, trổ hoa, kết trái. Và rồi lại một vòng khép kín như thế. Cuộc đời lão cũng trôi dần về bên kia dốc theo mùa trăng lúc tròn lúc khuyết. Mùa trăng rồi sẽ còn lặp lại, còn cuộc đời của con người hướng đi như một đường thẳng, một khi đã đi rồi thì không còn quay lại được nữa.

Hết mằn sièn, lão đi hái măng rừng, tìm kiếm rau dại. Lão đi lên núi kiếm tìm lâm thổ sản như má pín, tầm gửi mọc trên cây nghiến cao vun vút. Trèo được lên ngọn cây nghiến bứt được cây tầm gửi, tựa như đụng tới trời xanh xoáy tít trên đầu. Cuộc đời lão cứ thế trôi đi. Cơ cực, nhưng thanh thản. Lão chỉ mong cho đôi tay cứng cáp, mắt sáng tinh tường, đá tai mèo mềm dưới bước chân đi của lão. Người người đào mằn sièn, đồi núi đầy những hố là hố, nhiều cánh rừng chỉ còn sót lại những cây non. Lão cùng người dân Bó Lẹng phải đi xa hơn, vào sâu trong rừng đại ngàn, nơi có những cây mằn sièn lâu năm chưa có người động đến. Sáng, vợ lão dậy nấu cơm lèng, nắm cho lão nắm cơm bằng lá chuối và một ít muối, lạc rang. Lão cho vào thây pác mạ đeo bên vai, cầm cái thuổng và cái xẻng rồi đi vào rừng. Lão cất bước mang theo niềm tin tối sẽ mang về một gánh thức ăn củ mà người đời gọi là hoài sơn hay nhân sâm rừng gì đó. Vợ lão đang trông, các con đang chờ lão dài cổ ở nhà.

Nhìn lại cuộc đời lão thấy mình vẫn còn may mắn lắm. Lão không thể đếm được đã có bao nhiêu ngày lão làm bạn với những cây mằn sièn, những hố đào sâu gần bằng hai sải tay. Chưa bao giờ lão chịu trở về với hai bàn tay không. Ngày nào đen đủi lắm, lão cũng đem về một thây pác mạ, ngày nhiều thì gánh không hết. Những khúc ngắn lão nhét đầy túi, còn những khúc dài lão cắt ra bó như bó củi, buộc chắc trên đòn gánh về nhà.

Hăm hở, nhưng cũng có lúc lão thấy mệt mỏi, nuốt miếng cơm thấy đăng đắng ở cổ họng. Nhưng vì những đứa con, vợ lão đang ở nhà, lão lại vùng lên, lấy lại sức mạnh tuổi thanh niên cường tráng. Lão chỉ có một tâm niệm là đào được thật nhiều mằn sièn, mằn kheo, kiếm được thật nhiều sản vật từ thiên nhiên. Rừng, núi đã cứu sống lão và cả gia đình lão trong những lúc cùng kiệt nhất.

Trong thâm tâm, lão biết ơn rừng lắm. Lão không thể nào quên, cảnh vợ lão phải nhai ngô luộc mớm cho các con lão mỗi người hai bắp qua bữa. Lão không thể quên được cảnh vợ lão đã phải vá víu cái quần, cái áo mà nó vẫn rách, những mảnh vá chất chồng lên nhau như người ta lợp ngói âm dương mái nhà vậy. Không có cái nào mặc, vợ lão vẫn phải mặc đi ra chợ. Những cái quần, cái áo thủng lỗ chỗ, không che kín được tấm thân gầy, hở cả da cả  thịt để những ánh mắt dòm ngó với ý đồ đen tối.

Sau này lão hiểu ra rằng Bó Lẹng nghèo là do hồi đó chưa có các cây trồng có năng suất cao. Bao năm vẫn cây ngô cây lúa thoái hóa trên đất bạc mầu, ít phân bón, thiếu công chăm sóc. Được ăn hay thất thu, tất cả đều phó mặc cho ông trời. Coi đó như là một định mệnh, một sự ban phát của thiên nhiên.

Thời kỳ đổi mới đã mang đến Bó Lẹng một cơn gió mát làm đổi thay cả một vùng quê nghèo đã bấy lâu. Nhiều loại cây, giống được đưa vào sản xuất cho năng suất cao gấp nhiều lần. Lão thấy mấy cái anh cán bộ khuyến nông nói rất hay, làm cũng rất giỏi. Lũ trẻ tiếp thu kỹ thuật và làm nhanh lắm. Còn những người già như lão thì thấy đó là một quá trình dài. Làng Bó Lẹng của lão không còn nhiều hộ đói nghèo như trước đây.

Thóc lúa giờ đã đầy nhà, ăn không hết còn mang ra chợ bán đổi lấy nhiều thứ vật dụng dùng trong cuộc sống hằng ngày. Chăn nuôi phát triển một cách nhanh chóng. Quãng đời gian khổ của lão kiếm miếng ăn còn khó, chứ nhà ai có cơm thừa cơm thãi để chăn nuôi lợn gà? Có nuôi một, hai con lợn thì nấu cháo rau, cả năm chưa được năm sáu mươi cân thịt lợn hơi. Lúc đó chẳng có ai tính toán làm giàu bằng kinh tế chăn nuôi, canh tác lúa, trồng rừng cả.

Bây giờ người dân trồng loại cây gì cũng đều cho hạt to, trái lớn, được thu hoạch nhanh. Nuôi con vật nuôi nào cũng lớn nhanh như thổi, như bơm hơi vào bụng nó, được nhanh bán ra chợ xã, chợ huyện. Thậm chí cả chợ ngoài tỉnh nữa. Nhưng lão vẫn thích lợn được nuôi bằng những thứ rau dại, bằng ngô, khi mổ thịt ăn vẫn thơm ngon hơn nhiều thịt tăng trọng bây giờ. Lão thấy ngày đó được ăn thịt lợn, thịt gà ít, nhưng miếng thịt chất lượng, thơm gấp mấy lần thịt bán ở chợ. Những ký ức cứ theo lão kéo về. Lão cảm thấy ngày đó vẫn còn đang gần lắm.

Lão đào cây mằn sièn cổ thụ này để gợi nhớ đến ngày xưa gian khó. Đào cho vui thôi. Lão không còn ăn cơm độn sắn dài dài, không phải vào rừng đào mằn sièn giăng cái thân ra chống chọi với lũ muỗi rừng khát máu nữa. Vợ con lão được ăn cơm trắng, thơm dẻo ngất ngây. Cuộc đời lão đúng là có phúc về già. Một điều bất ngờ đã đến với lão và các con của lão. Điều mà có lẽ trong cuộc đời của lão không bao giờ dám mơ tới. Lão đến làng Bó Lẹng sau cùng, không được ở những mảnh đất màu mỡ, mà phải dựng nhà trên vùng đất có quặng mangan nghèo cằn cỗi.

Trồng cây rau, cây đậu không cho nhiều hạt như vùng đất tro, đất thịt. Nhưng khi nhà nước tiến hành thu gom quặng, mở mỏ khai thác chế biến phục vụ cho ngành công nghiệp luyện kim, gia đình lão được đền bù hai tỷ đồng. Chưa bao giờ lão và các con lão lại có được nhiều tiền hơn thế. Lão, từ một người nghèo nhất làng, trở thành người giàu có nhất xã, nhất huyện. Sau này viết vào cuốn gia phả của dòng họ, lão tự tin mà viết rằng: đời lão là một bước chuyển lớn, giống như một trang vàng của dòng họ mà chính lão cũng không thể hình dung và chẳng bao giờ mơ tới những huy hoàng này.

Lão chia đều tiền cho các con. Bởi lão quan niệm các con sẽ có vốn liếng làm ăn. Lão già rồi, lão không thể thay đầu của các con tính toán cách làm ăn được nữa. Riêng vợ chồng lão chỉ giữ cho mình một phần nhỏ. Ngày chia tiền, lão nói rõ “thằng nào chôn cất vợ chồng lão sau này sẽ được hưởng phần của lão trong ngân hàng Phia Phu”.

Lão cho rằng quyết định như thế là đúng. Lão có tiền, đương nhiên các con lão sẽ tốt với bố mẹ lúc về già. Chẳng có đứa nào là chê tiền cả. Ai đối xử tốt hơn, vợ chồng lão sẽ ở với người đó. Sau khi lão nhắm mắt xuôi tay, người con đó lo tang lễ, ma chay, thì mặc nhiên số tiền của lão sẽ thuộc về người đó. Với số tiền hai trăm triệu đồng của vợ chồng lão trong ngân hàng, chỉ tính tiền lãi hằng tháng cũng đủ để vợ chồng lão sống hết phần đời còn lại. Lão tự thấy phần trách nhiệm của lão đối với các con như thế cũng đã tạm chấp nhận được rồi. Lão bằng lòng với cuộc sống này?

Có tiền, nhưng lão cũng thấy, niềm vui và nỗi buồn luôn chầu chực con người ta. Nỗi buồn của vợ chồng lão, được bắt đầu từ thằng con thứ tư. Nó t‌ּự t‌ּử bởi thuốc trừ cỏ vừa mới mua từ phiên chợ Thông Huề để ngày mai pha chế phun trừ cỏ lồng vực cho đám ruộng lùng nhùng những loại cỏ đáng ghét của nhà nông.

Chuyện cũng chẳng có gì to tát lắm. Sống chung dưới một mái nhà, vợ chồng cãi nhau dăm ba câu là chuyện rất bình thường. Ăn ở với nhau cả đời tránh sao được xung đột? Bát đũa để trong chạn còn chạm nhau, nữa là người. Thế mà nó đã quy‌ּên sin‌ּh. Người làng Bó Lẹng không hiểu tại sao thằng Thắng lại làm như thế. Trong khi ba đứa con đều đang còn nhỏ. Lại đang ngồi trên cả một đống tiền của. Đúng là sướng quá hóa rồ hóa dại? Chính lão cũng không thể hiểu được tại sao con lão lại làm vậy. Thế là vợ chồng lão đã mất đi một cây gậy lúc quàn tại nhà rồi.

Sau này lão mới biết, con lão uống thuốc độc t‌ּự t‌ּử là không muốn mình truyền căn bệnh thế kỷ cho vợ cho con và người thân trong đại gia đình? Thắng không muốn người làng soi mói, những cặp mắt coi thường của người làng Bó Lẹng còn quá ư nặng nề với những người đang mang trong mình căn bệnh chưa thuốc chữa. Chuyện vợ chồng xích mích chỉ là cái cớ, giống như một giọt nước tràn ly để con lão đi vào cõi quên đời. Lão chỉ nghe người làng đồn đại vậy, chứ con lão có bị mắc căn bệnh đó không thì chỉ có trời mới biết được.

Nhưng chuyện thằng con út của lão bị chết vì sốc thuốc trắng là một sự thật khó chối cãi được. Lão lại thêm một lần đau lòng. Vợ lão khóc cạn nước mắt. “Bố mẹ khổ sở nuôi các con, không dám đòi các con phải phụng dưỡng. Nghèo khổ là thế, nhưng nào bố mẹ có nghĩ đến chuyện quy‌ּên sin‌ּh. Thế mà con lại dại dột như vậy con ơi”. Vợ lão gào thét. Chưa bao giờ ở trong làng Bó Lẹng, người ta thấy chỉ trong một thời gian ngắn mà hai kẻ đầu bạc đã phải đưa tiễn hai kẻ đầu xanh về với mẹ đất.

Nhiều đêm nằm, lão suy nghĩ, giá như cứ thế mà kham khổ như ngày xưa. Túng thiếu đủ bề đấy, phải kiếm ăn từng bữa đấy thế mà lại sống thọ. Khi suy nghĩ của lão ngược đời vào chỗ cùng cực, lão đã ước ao được quay lại quãng thời gian phải đào mằn sièn nấu với rau cải và ngô xay. Nghèo khổ, nhưng đầm ấm và con người biết thương yêu, sẻ chia với nhau từ tấm áo rách đến bắp ngô nướng. Biết trân trọng bản thân mình hơn bao giờ hết. Ý thức phải sống cho đàng hoàng, không ai bảo mà vẫn giữ được vẹn nguyên.

Nhưng lão biết chuyện không thể quay lại được nữa. Đó là một thực tế đắng cay của cuộc đời lão.

Lão buồn, lão đi vào núi Đống Đâư để trồng và bảo vệ rừng. Cái thú vui của tuổi già đã đánh thức lão. Cuộc đời lão đã sống nhờ vào rừng núi. Mằn sièn, gỗ rừng, muông thú, chim chóc đã giúp lão vượt qua những nhọc nhằn, mưu toan cuộc sống cho những đứa con nheo nhóc. Sống với rừng, có lẽ lão nhớ đến thời trai trẻ của mình? Lão thấy cuộc sống thanh thản.

Lão nhìn cây mằn sièn, xem kỹ một lượt rồi quay vào nhà. Lão cầm vào cái thuổng dựng bên cánh cửa. Có lẽ lão sẽ đào cây mằn sièn mà lão vừa nhìn thấy. Bàn tay rắn chắc của lão cho cây thuổng phập xuống nền đất đỏ. Củ bắt đầu to ra, lòng lão khấp khởi mừng thầm. Không phải lão mừng vì đào được cây mằn sièn lâu năm. Lão mừng bởi một lý do khác kia.

Vùng đất Đống Đâư là vùng đất có quặng. Lão biết rõ điều này từ khi còn làm việc trong đoàn địa chất 105 rồi. Một ngày nào đó nhà nước sẽ lại thu hồi đất để tiến hành khai thác khoáng sản. Lão vào đây là để giữ đất. Lão là một người khôn lỏi biết toan tính hơn bất cứ những người nào khác trong làng Bó Lẹng này. Rồi lão sẽ lại có nhiều tiền. Lão thấy ngày đó chẳng còn bao xa. Nghĩ vậy lão càng hăng hái phăm phăm cùng xẻng, thuổng đi vào lòng đất…

Ghi chú: Mằn sièn, mằn giảng, da ử, pa pính là những loại cây thuộc họ cây củ mài, thuộc loại củ biết chế biến đều có thể ăn được.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật