TQ nỗ lực giải cứu đàn ong bị bỏ đói vì lệnh phong tỏa giữa dịch bệnh

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những người nuôi ong ở Trung Quốc vấp phải khởi đầu ảm đạm cho mùa hút mật, vì lệnh giới hạn đi lại khiến họ không thể rời nhà và tới cho ong ăn nhiều tuần nay.
TQ nỗ lực giải cứu đàn ong bị bỏ đói vì lệnh phong tỏa giữa dịch bệnh
Người nuôi ong kiểm tra tổ ong ở một trang trại tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters.

Jue, một người nuôi ong ở Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, cho biết ông nhiều ngày liền không ngủ được vì lo cho 300 tổ ong cách chỗ ông sống tận 300 km.

“Tôi thực sự lo lắng”, Jue, 55 tuổi, nói với Reuters, chỉ cung cấp họ của mình. “Nếu ong của tôi chết hết, tôi sẽ mất cả năm thu nhập”.

Đó cũng là thế khó chung của nhiều người nuôi ong ở Trung Quốc, trong bối cảnh lệnh phong tỏa, giới hạn đi lại nhằm chống dịch virus corona vẫn tiếp diễn, theo Reuters.

Việc không thể cho ong hút mật vào đúng mùa ra hoa, cùng với việc giảm số lượng ong, đang đe dọa sinh kế của khoảng 300.000 người nuôi ong ở Trung Quốc, đồng thời làm giảm sản lượng mật ong.

Thậm chí, Hiệp hội Nghề nuôi ong Trung Quốc đang nỗ lực động viên người nuôi ong không quá tuyệt vọng. Hiệp hội thừa nhận cuộc chiến chống dịch đang gây thiệt hại cho ngành, và kêu gọi người nuôi ong liên hệ với giới chức địa phương nếu cần di chuyển để cho ong ăn.

“Dù thế nào, cũng không được t‌ּự t‌ּử”, hiệp hội này nói, sau khi một người nuôi ong từ tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc, Liu Decheng, tre‌o c‌ổ t‌ּự vẫ‌ּn.

Nghề nuôi ong không “ngọt” như mọi năm

Sản lượng mật ong từ Trung Quốc là 500.000 tấn mỗi năm, chiếm 1/4 sản lượng thế giới, và Trung Quốc là nước sản xuất mật ong hàng đầu thế giới. Mỗi năm, nước này xuất 100.000 tấn sang châu Âu và Mỹ.

Nhưng năm nay, sản lượng này sẽ giảm mạnh.

Bình thường, người nuôi ong như Jue phải chăm cho các tổ ong để chuẩn bị đưa chúng đi thụ phấn hoa mơ ở Turpan vào tháng 3, trước khi đi “săn các mùa hoa”, từ vườn lê ở Korla vào mùa xuân đến vườn táo tàu ở Ruoqiang vào tháng 5. (Turpan, Korla và Ruoqiang là những địa khu, thành phố hoặc huyện của khu tự trị Tân Cương).

Nhưng năm nay, Jue đã muộn so với kế hoạch tận ba tuần, một tình huống “khá nguy cấp”.

Cũng giống Jue, Zhang Miaoyan, từ tỉnh Chiết Giang, cũng không thể về với 120 tổ ong đang “đói” sau 20 ngày không được ăn.

“Chúng tôi - những người nuôi ong, thường nói kinh doanh mật ong có đủ đắng cay, ngọt bùi”, Zhang nói với Reuters. Nhưng năm có lẽ chỉ còn đắng cay, khi virus cũng làm doanh số trong đợt Tết giảm đi.

Sản lượng mật ong của Trung Quốc đã giảm từ trước vì các yếu tố khác như biến đổi khí hậu, lực lượng lao động già đi cũng như lạ‌m dụn‌g thuốc trừ sâu.

Jue, làm nghề suốt 30 năm nay, kiếm được khoảng 10.000 USD một năm nếu được mùa. Nhưng công việc đòi hỏi lái xe tối muộn và ngủ trong lều ở những nơi xa xôi, cằn cỗi, không hấp dẫn với người trẻ.

“Không thanh niên nào muốn làm nghề này. Quá vất vả”, ông nói.

Nghề nuôi ong đòi hỏi lái xe tối muộn và ngủ trong lều ở những nơi xa xôi, cằn cỗi. Ảnh minh họa: Pixabay.

Chốt chặn khắp nơi, hết phiêu lưu “săn mùa hoa”

Tương tự, người nuôi ong Mo Jiakai lẽ ra phải rất bận rộn với 200 tổ ong. Ông và vợ lẽ ra phải ở gần Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam, chuẩn bị cho ong hút mật cây cải dầu.

Nhưng người đàn ông 48 tuổi lại ở Phan Chi Hòa, cũng thuộc Tứ Xuyên, cố gắng giữ cho đàn ong sống sót.

“Chúng tôi sẽ phải cách ly 14 ngày nếu tới Thành Đô, nếu vậy ong sẽ chết đói”, ông Mo, có thâm niên 2 thập kỷ nuôi ong, nói với South China Morning Post.

“Đối với người nuôi ong, cuộc sống là những chuyến phiêu lưu đuổi theo những mùa hoa, nhưng sao mà phiêu lưu được nếu đường xá chặn hết”, ông nói. “Không có hoa, ong sẽ chết”.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, không chỉ người nuôi ong bị ảnh hưởng, nhiều vụ mùa được ong thụ phấn cũng đang bị đe dọa.

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO), trong 100 giống cây tạo ra 90% lượng thức ăn trên toàn thế giới, 71 loài phụ thuộc vào ong thụ phấn. Khoảng 85% loài cây ăn trái của Trung Quốc, từ táo, cam, lê đến đào, nho cũng cần ong thụ phấn.

Việc ong thụ phấn cũng giúp tăng năng suất nhiều loài, bao gồm đậu tương, theo South China Morning Post.

Nghề nuôi ong là những chuyến phiêu lưu đuổi theo những mùa hoa. Ảnh: Reuters.

Đã lỡ một mùa hoa?

Theo Reuters, Bắc Kinh đã đề nghị chính quyền các địa phương giảm thiểu sự gián đoạn trong vận chuyển con giống cho các ngành chăn nuôi, và nêu đích danh nghề nuôi ong. Nhưng các địa phương vẫn thận trọng khi dịch bệnh vẫn trầm trọng.

Virus corona có thể lây từ người sang người, và đã khiến hơn 82.000 người nhiễm bệnh, làm t‌ử von‌g 2.800 người, tính đến chiều 27/2 theo số liệu của Worldometers, trang web đã tổng hợp số ca nhiễm từ đầu dịch bệnh.

Jue vẫn đang cố dàn xếp với chính quyền địa phương để “giải cứu” đàn ong, trong khi Zhang đã được chính quyền chấp nhận cho về nơi nuôi ong.

Nhưng sự chấp thuận đó có thể đã quá muộn.

“Hoa mộc dại đang nở ngay bây giờ rồi. Bạn có thể thấy mùi hương ngọt ngào của nó”, ông Zhang nói với Reuters. “Nhưng thời điểm hoa nở tốt nhất đang qua rồi. Một khi lỡ mùa hoa, chỉ có thể đợi sang năm sau thôi”.

Đối với ông Mo ở Tứ Xuyên, nỗi sợ dịch bệnh cũng khiến ông không thể tìm được nhân công. Chi phí đi lại, vận chuyển cũng tăng vọt.

“Chúng tôi không được dân làng chào đón, vì sợ chúng tôi mang theo virus, dù chúng tôi cố giải thích là mình chỉ ở trang trại thôi”, ông Mo nói với South China Morning Post.

“Tôi hy vọng mọi chuyện trở lại bình thường, cùng lắm là vào tháng 5, để không bị lỡ thêm mùa hoa”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật